NƯỚC NAM CƯƠNG VÀ VĂN LANG TRONG MỐI QUAN HỆ LỊCH SỬ

Sử sách ghi nhận bên cạnh nước Văn Lang với khoảng 15 bộ lạc hợp thành ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã, tồn tại một nước Nam Cương với khoảng 10 bộ lạc thuộc cư dân Tây Âu (Âu Việt). Nếu như nước Văn Lang được cho là nhà nước đầu tiên của các cư dân Việt-Mường cổ thì Nam Cương là một trong những nhà nước do người Tày-Thái cổ lập nên, ngoài ra còn có một số nhà nước khác của các tộc người Tày - Thái cổ lập ra ở Nam sông Dương Tử. Tất cả những vùng đất trên cùng với Nam Cương và Văn Lang được sử sách Trung Hoa gọi chung lại là Bách Việt, dù thực tế Bách Việt không phải là một quốc gia mà chỉ là một tập hợp nhiều vùng đất ngoài Hán tộc đang trong thời kỳ hình thành sơ khai ở miền nam Trung Quốc.
Nước Nam Cương bao gồm 10 bộ lạc, gọi là các "mường", trong đó mường trung tâm là các vùng đất xung quang Bảo Lạc - Cao Bằng. Nhà nước Nam Cương thực tế không chặt chẽ mà lỏng lẻo, một dạng nhà nước liên bang. Các mường quy thuận một mường do mường này có sức mạnh và sự phát triển áp đảo. Khi mường trung tâm mạnh lên sẽ có nhiều vùng đất (mường) khác ra nhập, nhưng khi suy yếu thì sẽ diễn ra một cuộc tranh đấu để tìm ra mường lãnh đạo.



Cho đến thời Thục Phán, sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật đúc đồng, cùng khả năng canh tác lúa nước đã khiến ông thống nhất được các mường một cách tuyệt đối.  Không những vậy cùng với sự suy yếu của Văn Lang, ảnh hưởng của Nam Cương đến các bộ lạc của Văn Lang ngày càng lớn, số bộ lạc của Văn Lang quy thuận Nam Cương tăng lên. Điều này làm quyền lực của vua Hùng ngày càng giảm sút. Cuối cùng dưới áp lực của Thục Phán và dân chúng,  Vua Hùng (thứ 18) bị ép bỏ ngôi vua. Thục Phán xát nhập luôn các phần còn lại của Văn Lang hình thành nên một nước Âu Lạc và bắt đầu xây dựng một nhà nước theo phong cách của người Tây Âu (Âu Việt), kinh đô cũng được chuyển từ Bản Phủ về Cổ Loa, trung tâm của hai vùng đất, (Thục Phán cũng được tôn làm An Dương Vương như một sự khẳng định vị thế cao nhất của mình).
Dưới thời Thục Phán, do ảnh hưởng của mô hình nhà nước Nam Cương nên Âu Lạc cũng tập trung kinh tế và sức mạnh quân sự vào Trung Tâm Cổ Loa, biến nơi đây thành đô thị đầu tiên của Đông Nam Á. Sử dụng sức mạnh và trình độ kỹ thuật hơn hẳn để thu phục các mường, các bộ, làm bùng nổ các ngành chế tác vũ khí và công cụ đồng. Hàng vạn mũi tên đồng được tìm thấy ở Cổ Loa đã cho thấy hình ảnh một đế chế hùng mạnh một thời. Thục Phán đã tạo nên những bước manh nha đầu tiên của một đế chế.
Tuy nhiên cũng chính mô hình này đã không thể chống đỡ được với Nam Việt của Triệu Đà. Dù cùng là Tộc Âu Việt, hoặc gần gũi. Xong do nhà Triệu (vốn gốc Hán cát cứ) với mô hình tập trung thống nhất trong chỉ huy quân đội và quản lý tốt lãnh thổ, cư dân nên khi tiến đánh Âu Lạc, dù Âu Lạc vượt trội về kỹ thuật, khả năng phòng thủ tốt xong với sự liên kết liên giữa các vùng trong đất nước yếu kém, quân đội ít kinh nghiệm trong tấn công (thực tế Thục Phán thống nhất các vùng đất dựa trên sự đồng thuận là chính, nên ít có cơ hội sử dụng binh lực), Âu Lạc đã không thể huy động đủ sức mạnh chống lại quân Triệu. Khi Cổ Loa thất thủ, các mường, các bộ lạc khác cũng nhanh chóng quy thuận Nam Việt. Sự phản kháng ít diễn ra vì dù sao thì Nam Việt cũng vẫn gồm các tộc Âu Việt văn hóa tương đồng, đấy cũng là lý do vì sao trong suốt thời kỳ thuộc Nam Việt,  không hề có cuộc phản kháng nào. Các cuộc đấu tranh dành độc lập chỉ bắt đầu khi nhà Hán thôn tính Nam Việt và bắt đầu di dân Hán hoá.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả,  trong một góc nhìn hơi khác về Âu Lạc, mong mọi người cùng cho ý kiến ***

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI TÀY - NÙNG

Người Tày Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với địa bàn cư trú chủ yếu là vùng Lưỡng Quảng và một phần vùng đông nam Vân Nam thuộc Trung Quốc và vùng đông bắc Bắc bộ Việt Nam. Dân tộc Nùng có chung nguồn gốc lịch sử với dân tộc Tày ở Việt Nam và dân tộc Choang ở bên kia biên giới Việt-Trung. Và ngày nay, ở Trung Quốc họ được ghép chung vào dân tộc Choang thốnhg nhất (...)

Một số học giả Việt Nam cho Lạc Việt là tổ tiên của người Kinh và người Mường, còn Tây Âu là tổ tiên của người Tày cổ.

Thời Nam-Bắc Triều (năm 420-581) đến thời Đường (năm 618-907) có các tộc người Di: Lý, Lão, Lãng, Ô Hử và các nhóm người Man: Man Hoàng Động, Man Nùng Động, Man Tây Nguyên, là những nhóm "Man nhân" phân bố dọc biên giới Việt-Trung theo bản đồ ngày nay. Những tộc, nhóm này có mối quan hệ lịch sử với nhau, hay nói cách khác đều là di duệ của người Việt cổ xưa (...) Thư tịch xưa nhiều khi dùng tên gọi lẫn cho nhau. Sách Báu vật chí (thời Tấn thế kỷ III) chép: "Người Di ở Giao Châu gọi là người Lý". Sách Âu Dương truyện lại cho biết người Lý còn được gọi là người Di Lão. Sách Đường thư phần Nam Man truyện chép: "Người Man cũng gọi là người Di Lão". Sách Thái bình hoàn vũ ký khẳng định: "Người Lý tức người Man Ô Hử".

Các nhóm nêu trên trong tiến trình lịch sử diễn biến lâu dài cùng với sự phân hóa chắc hẳn đã cấu thành tổ tiên của các nhóm ngôn ngữ - văn hóa Tày-Nùng-Choang. Một số luận cứ sau đây có thể giúp xác nhận điều đó:

- Địa bàn sinh tụ của các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày-Thái ngành phía đông ngày nay là địa bàn sinh tụ chủ yếu của nguời Lý, Lão, Man... Sử sách trước thế kỷ X không ghi lại sự biến động dân cư đặc biệt nào ở khu vực này.

- Một bộ phận người Choang-Nùng ở Phượng Sơn (Quảng Tây) vẫn tự xưng là "Pu Lão" (Pu trong tiếng Choang là người). Người Hán vẫn gọi người Choang là "Thổ Lão". Người Choang ở một số thôn trại thuộc huyện Cai (Quảng Tây) vẫn dùng một thứ tiếng nói mà họ gọi là tiếng "Lãng".

- Người Lý, người Lão có tục ở nhà sàn và gọi nhà sàn là "can lan" thì nay người Choang, người Đồng ở nam Trung Quốc cũng ở nhà sàn và gọi nhà sàn là "can lan" (...)

Vào thời Tống (...) ở bắc Quảng Tây xuất hiện tên gọi "Choang" (...)

Từ thế kỷ thứ VII trở đi, một số dòng họ có thế lực đã nổi dậy chống lại sự kềm kẹp của nhà Đường. Sang thế kỷ X, một thủ lĩnh họ Nùng là Nùng Dân Phú đã làm thủ lĩnh của 10 châu vùng Quảng Uyên (...) Năm 1038, nước Trường Sinh được thành lập, đóng đô tại Nà Lự, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay, nhưng chẳng bao lâu bị nhà Lý tiêu diệt. Năm 1041, Nùng Trí Cao lại lập ra nước Đại Lịch ở châu Thảng Đo, sau đó lại liên kết với những người đồng tộc vùng Tả Giang (Quảng Tây) lập ra nước Thiên Nam, lấy hiệu là Cảnh Thụy, cai quản cả một vùng rộng lớn gồm Cao Bằng và một phần miền tây tỉnh Quảng Tây.

Năm 1048, Nùng Trí Cao tổ chức cuộc chiến tranh chống lại nhà Tống, đã làm chủ một khu vực rộng lớn từ Ung Châu (Quảng Tây) đến Quảng Châu (Quảng Đông) làm chấn động cả cõi Lĩnh Nam. Nhưng cuối cùng đã bị nhà Tống trấn áp mà thất bại. Cho đến nay, các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc và dân tộc Choang ở Quảng Tây vẫn coi Nùng Trí Cao là anh hùng dân tộc, nhiều địa phương hiện vẫn còn đền thờ.

Sau cuộc nổi dậy thất bại của Nùng Trí Cao, nhà Lý (Việt Nam) và nhà Tống (Trung Quốc) đã tăng cường kiểm soát ở vùng biên giới (...) Bộ phận bên kia biên giới Việt-Trung hình thành cộng đồng dân tộc Choang; bộ phận bên này biên giới (...) hình thành dân tộc Tày.

Hiện nay, một số người Choang ở các vùng phía tây và tây nam Quảng Tây và đông nam Vân Nam vẫn xưng là "Nùng" (...) tộc danh Nùng có thể bắt nguồn từ dòng họ Nùng lớn mạnh trước đây.

Người Tày ở Việt Bắc (cũ) thường hiểu người Nùng là người bên kia biên giới thiên di sang nên gọi người Nùng là "Pò Nòng". Nhiều tài liệu thư tịch và tộc phả cho biết tộc người này thiên di vào Việt Nam cách nay khoảng 300-400 năm, cũng có nhóm mới nhập cư được trên dưới 100 năm.

(Trích từ sách 
Người Nùng của Chu Thái Sơn (chủ biên) và Hoàng Hoa Toàn, nxb. Trẻ, VN, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)

NGUỒN GỐC HỌ MA - PHÚ THỌ

Vào thời Hùng Vương chi thứ 18, đời Hùng Duệ Vương thứ I (theo Ngọc phả họ Ma thì Hùng Vương thứ 18 có ba đời ) bộ tộc người Tày họ Ma ở chân núi Ðọi Ðèn huyện Cẩm Khê do Ma Khê là tộc trưởng đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang. Ma Khê được Hùng Duệ Vương phong chức "Ðại tướng quân" trấn giữ phía tây thành Phong Châu. Ðến đời Hùng Duệ Vương thứ II, do tài đức và lập nhiều công lớn, ông lại được Vua phong "Phụ Quốc Ma Vương Ðại Thần Ðại Tướng Quân".
Ma Khê sinh một trai, một gái. Con trai là Ma Xuân. Con gái gọi là nàng Huệ, Huệ Nương. Huệ Nương lấy Bảo Công là Lạc tướng đời Hùng Duệ Vương thứ III. Ma Xuân, con cả Ma Khê, cũng là tướng nhà Hùng. Ma Xuân sang sông xây thành. Vì là thành của người Tày họ Ma nên gọi là Ma Thành. Tránh từ "Ma" trong tiếng Việt nên Ma Thành gọi là Thành Mè. Ngày nay thị xã Phú Thọ vẫn có dấu tích khu vực thành Mè và chợ Mè, bến Mè là bến sông do người họ Ma lập ra.
Hùng Duệ Vương thứ III, cuối thời Hùng Vương thứ 18 không có con trai, triều đình lại lung lay, bên ngoài thì Thục Phán nhòm ngó cướp ngôi, bên trong thì rối loạn. Lạc Tướng Bảo Công, con rể Ma Khê, định củng cố thế lực đoạt ngôi Vua. Nhưng một đêm ngủ tại Ma Thành cùng anh vợ, có thần về báo mộng quở trách, nên từ bỏ ý định làm loạn.
Thục Phán cướp ngôi, sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt thành nước Âu Lạc rời đô về Cổ Loa xây thành để giữ nước. Cha con Ma Khê, Ma Xuân, Bảo Công không hợp tác với nhà Thục trở về sinh sống ở đất Hoa Khê chân núi Ðọi Ðèn, nay thuộc các xã Tình Cương, Văn Khúc, Chương Xá, Cát Trù, Thạch Ðê của huyện Cẩm Khê. Vùng đất Cẩm Khê thời cổ đại là địa bàn của người Tày họ Ma làm chủ. Khi Việt Nam được chia thành quận huyện thì được gọi là huyện Ma Khê, rồi Kim Khê, Hoa Khê để sau này thành huyện Cẩm Khê. Khê không chỉ có nghĩa đèo dốc mà còn mang tên vị đại tộc trưởng người Tày đã có nhiều đóng góp cho nhà nước Văn Lang dưới thời Vua Hùng thứ 18.
Theo ngọc phả Ma tộc thì năm 246 trước công nguyên Ma Xuân thay cha làm tộc trưởng họ Ma đã rời cả bộ tộc từ vùng núi Ðọi Ðèn sang Ma Thành để mở mang điền ấp, sinh cơ lập nghiệp tại đất mới, nay là thị xã Phú Thọ.
Năm 259 trước công nguyên, Phụ quốc Ma Khê 95 tuổi, mất tại thành Mè. Nhân dân thành Mè lập ngôi đền Sở để thờ cụ. Người ta cũng xây ngôi miếu Mẫu để thờ cụ bà Ma Khê ở trước cửa phía đông chợ Mè ngày nay. Năm 1947 giặc Pháp phá hủy mất ngôi đền Sở và đình Mè, nay chỉ còn miếu Bà.
Ở Gò Làng, chân núi Ðọi Ðèn, nhân dân làng Văn Khúc cũng xây đền thờ Phụ Quốc Ðại Thần, Ðại tướng quân Ma Khê, đó là đền Kim Giao. Làng Văn Khúc cũng xây đền, sau là đình làng thờ nơi Vua Hùng gặp Quế Anh Phu Nhân (mẹ các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa) và đây cũng là nơi thuở trước Vua Hùng thường hội kiến với Ma Khê và con rể Nguyễn Tuấn, người Mường, quê ở vùng sông Ðà núi Tản, khi chết được gọi là Tản Viên Sơn Thánh, là một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam.
Tương truyền từ Văn Khúc Ðọi Ðèn, Ma Khê sang lấy vợ bên làng Vi cạnh Ðền Hùng. Làng Vi cũng là địa bàn cư trú của người Tày Thái cổ. Khu vực họ ở đầy tre các loại. Ngôn ngữ Tày Thái gọi tre là Pheo. Nên ở đây mới có bản Pheo đồng thời người Việt cũng gọi đấy là xóm Tre. Trong ba ngọn núi thiêng ở Ðền Hùng, Tam Sơn cấm địa, trong tâm thức Việt Nam có ngọn núi nhỏ nhất mang tên Tày là núi Nỏn, đồng thời nó cũng mang tên Việt là núi Út (nỏn là út).
Theo ông Lê Tượng, nguyên Trưởng ban quản lý Ðền Hùng, ở khu vực Ðền Hùng có một tấm bia ghi địa danh của 50 khu ruộng mà một nửa trong số đó được gọi là Na (vì người Tày gọi ruộng là na) như Na Hưu, Na Dầu, Na Hoàng, v.v.
Hẳn rằng Vua Hùng thứ 18 biết rõ chỉ có người Tày mới hiểu biết về người Tày hơn ai hết; nên triều đình mới trao quyền cao chức trọng và cho trấn giữ biên giới phía tây để ngăn chặn người Âu Việt tràn xuống đánh chiếm Lạc Việt.
Phú Thọ thời Hùng Vương là địa bàn cư trú xen kẽ giữa hai nhóm tộc người Việt Mường và Tày Thái cổ. Suốt thời cổ đại, trung đại, các nhóm Việt cổ tràn xuống khai khẩn vùng trung châu. Do tiếp biến văn hóa, họ trở thành người Kinh. Về sau Phú Thọ thành nơi đất rộng người thưa mà vùng đồng bằng thì càng ngày càng đông người chật chội nên từng nhóm cư dân người Kinh lại tràn lên sinh sống ở miền đất cổ này. Lâu dần người Kinh lại có đa số dân, người bản địa vẫn bám trụ ở đây trở thành người thiểu số. Ðến thời Lê, để phân biệt với các làng người Kinh, triều đình cho gọi các điểm cư trú của người thiểu số là động Man. Ta còn nhớ có các động Trúc Phê ở Hưng Hóa, động Hoa Khê ở Cẩm Khê, động Phú An ở thị xã  Phú Thọ. Ðộng Phú An cũng do người Tày từ Hoa Khê đến, nên thị xã Phú Thọ cũng từng được gọi là Hoa Khê động. Ở Tam Nông còn có động Khuất Lão (xã Văn Lang) và động Lăng Xương (Trung Nghĩa, Thanh Thủy)... Người thiểu số khi ấy có nhóm người Mường tách từ người Lạc Việt và người Tày tách từ nhóm Âu Việt. Các nhóm thiểu số ở vùng ngoài Phú Thọ lâu dần cũng do tiếp biến văn hóa mà thành người Kinh. Từ người Mường có các họ Ðinh, Quách, Bạch, Hà, Bùi. Từ người Tày có các họ Ma, Mè, Mai. Mai, Mè đều do biến âm từ họ Ma mà thành. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương thì ở huyện Thanh Ba gần đây vẫn còn những ngôi miếu Mường (miếu của người Mường khi xưa).
Họ Ma người Tày còn để lại khá nhiều dấu ấn ở Ðất Tổ bằng các truyền thuyết, thần tích, ngọc phả và hàng loạt di tích thờ cúng ở Cẩm Khê, Trù Mật, Phú An, Ðền Hùng... Ðoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì do người Tày ở chính hai bên nên nó được mang tên theo ngữ hệ Tày Thái là sông Thao do biến âm, gọi chệch từ  Nậm Tao mà ra.
Họ Ma người Tày ở Phú Thọ nay hầu hết đều khai lý lịch là dân tộc Kinh. Rất ít người vẫn khai dân tộc Tày. Thậm chí trong một gia đình thì anh khai là người Kinh, các em khai là dân tộc Tày. Ðiển hình như gia đình tộc trưởng Ma Ngọc Bảo ở Việt Trì, các em ông như ca sĩ Ma Thị Bích Việt vẫn khai lý lịch từ trước là người Tày. Ông Bảo và các con khai là người Kinh. Anh em họ mạc nhà ông hiện có rất đông là người Tày ở Lục Yên Châu, Tuần Quản (Yên Bái) và Ðầm Hồng (Tuyên Quang).
Ông Ma Ngọc Bảo đời thứ 77 tính từ cụ tổ Ma Khê (thời Hùng Vương thứ 18) hiện là trưởng họ Ma. Vì thế ông được cha ông trao truyền cho giữ ngọc phả của Ma Tộc và phả hệ của dòng họ nhà mình.
Tính từ cụ Ma Khê đến nay đã có 79 đời, tức là cháu đích tôn của ông Ma Ngọc Bảo là Ma Tân Thành, sinh năm 2005...
Họ Ma trải qua mấy nghìn năm, cũng trải qua nhiều thịnh suy bĩ thái. Ðến đời tộc trưởng thứ 44 Ma Phúc Vinh cùng vợ là Nguyễn Thị Bích lại đưa gia nhân trở về sau loạn 12 xứ quân để tu sửa lại Ma Thành,  củng cố bộ tộc, lập từ đường thờ "Ma Tộc thần tướng Ma Xuân Trường". Còn các cụ tổ về trước thì tôn là thượng tổ và cao tổ vẫn thờ ở các đền miếu từ trước.
Vì dân tộc Tày họ Ma lớn, địa bàn trải rộng khắp nơi, năm 1902 họ Ma phải chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên.
- Nhóm trưởng (nay ở Việt Trì) được giữ ngọc phả và cúng tế tại  các đình miếu công.
- Nhóm hai được giữ thanh kiếm thờ cụ Tổ.
- Nhóm ba được giữ ngựa gỗ thờ của Tổ .
Nhóm hai và nhóm ba được cúng tại các nhà chi trưởng của mỗi nhóm.
Nhờ có ngọc phả họ Ma người Tày ở Phú Thọ và cả nước, chúng ta có dịp hiểu hơn về lịch sử nước nhà từ thời Hùng Vương thứ 18 về sau này. Qua đây càng sáng rõ hơn Phú Thọ là quê hương Ðất Tổ.
NGUYỄN HỮU NHÀN
Nguồn: báo điện tử nhân dân - 2009

NÔNG VĂN VÂN CÓ PHẢI LÀ GIẶC CỎ

Hôm nay chúng ta cùng xem một quan điểm về cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân thế kỷ XIX nhé, với triều đình nhà Nguyễn thì đây là một cuộc nổi dậy của thảo khấu, cần diệt cỏ tận gốc, tuy nhiên xét bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, sự thật liệu có như thế?
Nông Văn Vân và cuộc khởi binh chống Nguyễn (1833-1835)
Nông Văn Vân (? - 1835) là thủ lĩnh cuộc nổi dậy của các dân tộc vùng Việt Bắc trong lịch sử Việt Nam. Cuộc nổi dậy nổ ra từ ngày 2 tháng 7 năm 1833 đến 11 tháng 3 năm 1835 thì bị quan quân nhà Nguyễn dập tắt, sau khi tìm thấy Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong rừng. Mặc dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, thì Nông Văn Vân quả là một thủ lĩnh tài ba, bởi ông đã lôi kéo được một số tù trưởng và các dân tộc thiểu số cùng theo, khéo lợi dụng địa thế rừng núi hiểm trở trong tấn công và phòng ngự, làm cho tướng sĩ triều đình phải đối phó vất vả và chịu nhiều tổn thất nặng nề. Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh rộng và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số ở thế kỷ 19.
Ông là người Tày ở châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) [1]. Tổ tiên ông vốn nhiều đời làm thổ quan ở đây. Đến khi cha là tri châu Nông Văn Liêm và anh trưởng là Nông Văn Trang mất, ông được nối thay [2].
Vào đời vua Minh Mạng, các quan lại do triều đình cử đến [3] thường hay nhũng nhiểu, nên các thổ quan và người dân Bảo Lạc rất căm ghét, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.
Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi (em vợ Nông Văn Vân) vì bất mãn đã khởi binh chiếm lấy thành Phiên An ở Gia Định. Vua Minh Mạng lập tức cử quân đi đánh dẹp, đồng thời lệnh cho quan lại ở Cao Bằng truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó.
Theo sử liệu thì:
Viên án sát Cao Bằng liền ra lệnh bắt 14 người thân thuộc Lê Văn Khôi, sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Viên hay Kiện) của Lê Văn Khôi rồi đốt hài cốt ra tro. Nông Vân Vân lúc bấy giờ đang làm tri châu Bảo Lạc cũng bị triệu về tra hỏi...(Lịch sử Việt Nam[1427-1858], tr. 180)
Khởi binh chống nhà Nguyễn
Sẵn lòng căm ghét, Nông Văn Vân liền vận động các người thân cùng chí hướng, các tù trưởng bất mãn, những người dân bị áp bức, được khoảng sáu ngàn người cùng đứng lên chống Nguyễn.
Việc làm đầu tiên của Nông Văn Vân là thích bốn chữ “Tỉnh quan thiên hối” (quan tỉnh thiên tư, hối lộ) vào mặt phái viên do quan tỉnh cử đến rồi đuổi về.
Ngày 2 tháng 7 năm 1833, Nông Văn Vân tự xưng là "Tiết chế thượng tướng quân" [4] lập đại bản doanh ở Vân Trung và Ngọc Mạo [5] thuộc châu Bảo Lạc, rồi dẫn quân đi đánh chiếm đồn Ninh Biên (thuộc thị xã Hà Giang ngày nay), đồn Phúc Nghi (nằm bên hữu ngạn sông Gâm) và tỉnh thành Tuyên Quang.
Đạt được thành công này khiến nhiều tù trưởng, đông đảo nhân dân các dân tộc ở Việt Bắc, và một số thợ mỏ người Hoa đã tự nguyện đứng vào đội ngũ. Thừa thế, quân nổi dậy lần lượt vây đánh các tỉnh thành lân cận là Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Sách Bắc Kỳ tiểu phỉ chép:
Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đứa hùng trưởng, mà đều lấy giặc Vân làm chủ...
Sách Đại Nam thực lục chép:
Tù trưởng các châu đều họa theo và đều nhận chức quan của Vân...[6]
Để trấn áp lực lượng nổi dậy đang ngày càng lớn mạnh, vua Minh Mạng liền sai Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức làm Tổng tiễu bộ Tuyên Quang thổ phỉ quân vụ, lại sai thự tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ làm tham tán, rồi cùng mang hàng ngàn quân, hàng trăm voi chiến và ngựa chiến ra trận.
Lại nghe quân nổi dậy vây đánh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên ngặt quá, nhà vua cử thêm An Tĩnh tổng đốc là Tạ Quang Cự làm tổng thống đại thần đem quân lên đánh ở mạn Cao Bằng, Lạng Sơn; và cử tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ đem binh tượng và súng thần công lên đánh mặt Thái Nguyên.
Ngoài ra, theo giúp việc quân có: lãnh binh Hải Dương là Đồng Bá Huyên, lãnh binh Bắc Ninh là Trần Văn Duy, tuần phủ Lạng Bình là Hoàng Văn Quyền, vệ úy Cẩm y là Nguyễn Văn Lễ, quyền lãnh tổng đốc An Tĩnh là Nguyễn Văn Xuân, phó lãnh binh Hà Nội là Hồ Văn Vân, v.v...
Để đối phó lại, Nông Văn Vân liền cử Nông Văn Sĩ, Nồng Văn Lô, Bế Văn Liêm, Bế Văn Đản, Bế Cận, Bế Văn Quyền, Nguyễn Khắc Hòa,...chia quân đi đánh chặn các mặt.
Phần vì địa hình hiểm trở, phần thì quân nổi dậy đã chiến đấu rất ngoan cường cho nên đến đầu năm 1834, quân điều đình mới lần lượt thu lại được các tỉnh thành đã mất. Chỉ nói riêng về đạo quân chủ lực do tướng Lê Văn Đức chỉ huy, thì trên chặng từ Ninh Biên vào đại bản doanh Vân Trung (Bảo Lạc) phải mất một tháng rưỡi. Dọc đường, quân triều đình và quân nổi dậy đã đụng nhiều trận ác liệt như ở Đồn Trinh, Đèo Bụt, ở rừng núi Bảo Lạc...Điểm lại quân số, khi đi có một vạn quân, vào đến Vân Trung hiện chỉ còn non một nửa.[7]
Tuy bị hao tổn nhiều, nhưng đạo quân của tướng Lê Văn Đức vẫn cố tấn công dữ dội ở đại bản doanh Vân Trung. Thấy không thể giữ được, Nông Văn Vân đành phải gom tàn quân chạy sang Trung Quốc. Nhưng khi quân triều rút đi, Nông Văn Vân và Bế Cận lại đem quân trở về đánh chiếm tỉnh thành Cao Bằng lần hai vào trung tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ (1834). Hốt hoảng, các quan bố chánh, án sát và lãnh binh của tỉnh đều bỏ chạy. Nhận được tin cấp báo, vua Minh Mạng sai Tạ Quang Cự khẩn dẫn quân trở lên Cao Bằng, lại cử thêm mấy đại thần mang quân lên giúp sức...
Để phân tán lực lương quân triều, Nông Văn Vân bèn liên kết với thủ lĩnh Lê Văn Bột và Nguyễn Văn Nhàn ở Sơn Tây, hội quân được 6, 7 ngàn người, rồi cùng lập thêm căn cứ ở miền Vĩnh Tường thuộc Vĩnh Phú, để huy hiếp Hà Nội và Bắc Ninh.
Tháng 10 năm 1834, triều đình Huế lại cử các tướng là: Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Nguyễn Tiến Lâm, Hồ Hữu, Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ cùng mang quân đi tiễu trừ.
Cuối năm ấy, cả ba đạo quân cùng đến hội ở Vân Trung. Để ngăn không cho quân nổi chạy sang Trung Quốc lần nữa, tướng chỉ huy quân Nguyễn bèn sai người đưa thư sang nói với quan nhà Thanh ở Quảng Tây nhờ hỗ trợ. Quả nhiên, trước lực lượng hùng hậu của quân triều, Nông Văn Vân cùng thuộc hạ lại chạy sang bên đó, nhưng bị quân Thanh đuổi bắt, đành phải trở về Tuyên Quang.
Sau, bị quan quân nhà Nguyễn mở thêm hai cuộc hành quân đàn áp nữa (cuối tháng 2 và giữa tháng 10 năm Giáp Ngọ [1934]), nên sức quân nổi dậy ở Vân Trung và Ngọc Mạo đã dần suy yếu và địa bàn hoạt động cũng bị thu hẹp dần.
Bị chết cháy
Biết Nông Văn Vân đang ẩn ở xã An Quang, quan quân nhà Nguyễn liền đi truy nã, nhưng ông đã chạy thoát vào rừng Thẩm Bát (hay Thẩm Pát, Lũng Pát)[8]. Sau khi cho quân vây kín cả bốn mặt, ngày 11 tháng 3 năm 1835 [9], tướng chỉ huy ra lệnh phóng hỏa đốt rừng. Nông Văn Vân bị chết cháy.
Thuật lại vụ việc này, Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn chép:
Tên ra thú là Nông Tính Hòa dò được thực đi báo nơi quân thứ, Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển tức thì phái vệ úy Nguyễn Văn Quyền đem hơn ngàn binh dũng tới ngay vây bắt...Sợ Vân trốn thoát, Quyền cho phóng hỏa đốt cả bốn mặt, Vân ở trong lỗ đá chui ra chết về lửa. Đức cho đệ lá hồng kỳ chạy như bay về báo tiệp và đóng hòm đầu Vân đưa dâng, rồi lấy sào cao treo ngược thây ở đỉnh núi Vân Trung. Thủ cấp Vân đưa tới, vua sai đem treo ở chợ búa ba hôm. Lại truyền cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam và từ Quảng Trị trở ra Bắc treo ba hôm, sau đâm nát quẳng xuống hố xí. Mộ của tổ phụ Vân, (vua) sai người đào hài cốt ném xuống sông. Con Vân là Lôi đưa về Kinh xử trị, còn gia quyến và đồng đảng Vân đều bị giết hết, không còn sót mống nào.[10]
Được dân yêu mến
Thủ lĩnh Nông Văn Vân, đối với nhà Nguyễn, là một tên hung bạo, khó bảo...Tuy nhiên, ở Cao Bằng-Lạng Sơn có bài lượn và ở Na Hang có bài cọi, cả hai đều viết về ông và cuộc nổi dậy của ông. Điều này cho thấy các dân tộc ở Việt Bắc đã rất khâm phục và qúi mến Nông Văn Vân. Trích mấy câu trong bài lượn ở Na Hang (bản dịch):
...Tiếng đồn có ông Vân tốt quá
Giúp đỡ cho dân xã bản mường
Nhân dân quý yêu thương phục mến
(Ông) có đạo đức nổi tiếng tài năng...
Mối quan hệ với Lê Văn Khôi
Nông Văn Vân là anh vợ của với Lê Văn Khôi. Khi cuộc binh biến ở thành Phiên An nổ ra, vua Minh Mạng liền ban mật dụ cho các quan tỉnh Cao Bằng là phải tìm bắt cho được vợ con và thân thích của Lê Văn Khôi. Cuộc truy nã kéo dài ngót ba tháng, hàng trăm người lần lượt đã bị bắt nhốt. Ngoài ra, nhà vua cũng ra lệnh đón chặn các đường biển và đường núi, không cho nghĩa quân cùng vũ khí từ Gia Định kéo ra Bắc và ngược lại...Sau khi nghiên cứu Tộc phả Bế-Nguyễn và một số tư liệu khác, bước đầu Nguyễn Phan Quang đã đưa ra một suy nghĩ như sau:
Hai thủ lĩnh Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân đã thống nhất một ý đồ chung là phát động cuộc nổi dậy đồng thời trong phạm vi cả nước nhằm lật đổ triều Nguyễn…Rõ ràng không phải Lê Văn Khôi nổi dậy chỉ nhằm mục đích trả thù cho Lê Văn Duyệt, càng không phải vì thân thuộc của Lê Văn Khôi ở Cao Bằng bị truy nã mà nổ ra cuộc nổi dậy Nông Văn Vân...(Việt Nam thế kỷ XIX [1802-1884], tr. 253)
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Đời Gia Long, Bảo Lạc thuộc trấn Tuyên Quang. Năm 1831, vua Minh Mạng cho đổi trấn này thành tỉnh. Năm 1835, sau khi đánh dẹp xong cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, nhà vua cho chia châu Bảo Lạc ra làm hai huyện là Vĩnh Tuy và Vị Xuyên (theo Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. Nhà xuất bản Văn Học, 2003, tr. 485) và ĐạiNam chính biên liệt truyện (tr. 1040). Ngày nay, theo Nguyễn Phan Quang, huyện Bảo Lạc ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng, Bắc giáp huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Nam giáp huyện Chợ Rã (Bắc Cạn), Tây giáp hai huyện Yên Minh và Vị xuyên (Tuyên Quang), Đông giáp hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình (Cao Bằng). Từ thị xã Cao Bằng đến huyện lỵ Bảo Lạc, đường ô tô men theo các triền núi cao, quanh co hiểm trở liên tục ngót 140 km (tr. 223).
[2] Đại Nam chính biên liệt truyện đã lầm lẫn khi cho rằng Nông Văn Bật là cha Nông Văn Vân, thật ra ông Bật là ông nội của Nông Văn Vân (ghi chú của Nguyễn Phan Quang, tr. 224).
[3] Ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng; vua Minh Mạng đặt chức lưu quan do người Kinh nắm giữ ở bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc. Sau, do phản ứng của người dân địa phương, vua Tự Đức đã bãi bỏ chế độ lưu quan.
[4] Năm 1834, quân triều bắt được lá thư của quân nổi dậy ghi niên hiệu là Nguyên Thống nguyên niên, tức lúc bấy giờ Nông Văn Vân đã tự xưng vương (Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 195).
[5] Vân Trung nay là thị trấn Bảo Lạc. Hồi làm tri châu, Nông Văn Vân đã cho xây dựng tư thất, công đường ở khu vực nay là cửa hàng bách hóa và doanh trại của huyện đội. Ngọc Mạo chính là xã Đồng Mu ngày nay (ghi chú của Nguyễn Phan Quang, tr. 224).
[6] Bắc Kỳ tiểu phỉ (quyển 47) và ĐạiNamthực lục (quyển 18, tr. 139). Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 195.
[7] Đề cập đạo quân chủ lực này, sách Bắc Kỳ tiểu phỉ (quyển 34) đưa ra một vài con số như sau: 100 lính bỏ mạng dọc đường, 2. 400 lính ốm và rất nhiều lính địa phương bỏ trốn (Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 198).
[8] Thẩm Bát nay thuộc xã Ân Quang, cách thị trấn Bảo Lạc 25 cây số về hướng Đông Nam.
[9] Ngày tháng này chép theo Nguyễn Phan Quang, (tr. 194). Sách Bắc Kỳ tiểu phỉ chỉ kể là: "Ngày 9 tháng 3 âm lịch năm 1835, quan quân Nông Văn Vân thua trận, ẩn náu trong rừng Thẩm Pát bị quân triều đình phóng hỏa đốt cháy cả khu rừng. Nông Văn Vân bị thiêu chết.
[10] Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 303 và 1051-1052). Nói thêm: Trong hàng trăm cuộc nổi dậy lớn nhỏ đã xảy ra trong suốt lịch sử triều Nguyễn, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ chép thành truyện riêng có mấy người đó là: Lê Văn Khôi (phụ chép Nguyễn Văn Trắm), Nông Văn Vân và Cao Bá Quát. Điều này cho thấy cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân đã từng làm vua quan nhà Nguyễn rất bận tâm.
Sách tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà xuất bản Văn học, 2004.
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Trần Trọng Kim, Việt Namsử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 4). Tủ sách Sử học Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1961.
-Nguyễn Phan Quang, Việt Namthế kỷ XIX (1802-1884). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
-Nguyễn Phan Quang, Lịch sử ViệtNam(1427-1858), quyển 2, tập 2. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977.

VIỆT BẮC LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI


Nói đến Việt Bắc, ta lại liên tưởng đến vùng trung du rừng núi trùng điệp trong những năm kháng chiến chống Pháp, với những trận đánh đi vào lịch sử trong chiến dịch biên giới, đóng góp vào sự thảm bại sau cùng của Pháp ở Việt Nam. Nhưng Việt Bắc cũng là địa danh cùng với con người tạo ra một bề dày lịch sử đáng kể. Bài này viết ra với mục đích trình bày tổng quan về lịch sử, tư tưởng và văn hoá của những cư dân Việt Bắc từ thời tiền sử (bao gồm Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông) đến ngày nay, và sự liên hệ mật thiết gắn liền với lịch sử văn hoá Việt Nam qua sự thăng trầm tư tưởng của các triều đại và quan hệ ngoại giao và quân sự giữa Việt Nam và Trung quốc... Bài chỉ tóm tắt một vài khía cạnh về con người, lịch sử và văn hoá Việt Bắc ảnh hưởng mật thiết tạo thành con người và lịch sử dân tộc.
Cư dân Việt Bắc đóng vai trò chủ yếu trong lịch sử Việt-Trung và chính vận mệnh của họ qua lịch sử đã hình thành địa hình biên giới hai nước. Lịch sử của họ phản ảnh chính sách và tư tưởng của chính quyền hai nước từ thời tự chủ đến ngày nay. Và trước đó nữa, dân cư Việt Bắc là một bộ phận chính thành lập dân tộc và đất nước Âu Việt, tranh đấu với Bắc triều Hán Hoa giành độc lập để lại một di sản cho con cháu người Việt ngày nay.

I - CON NGƯỜI
Vùng Việt Bắc là nơi cư ngụ chính của các dân tộc Tày-Nùng, thuộc dòng ngôn ngữ Thái, dân tộc Dao, và các nhóm thiểu số khác. Người Tày (trước đây trong sử của các nhà cựu nho, họ được gọi là Thổ) và người Nùng, cùng tiếng nói và văn hoá, chỉ khác là người Tày gần với người Việt hơn trong khi người Nùng chịu ảnh hưởng văn hoá Trung quốc. Người Tày-Nùng sống chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái ở Việt Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam ở Trung Quốc. Ở Quảng Tây, họ là người dân tộc có dân số lớn nhất, và được gọi là dân tộc Zhuang.
Người Tày-Nùng và Lạc Việt là nhánh phương Nam của chủng tộc người Bách Việt mà thư tịch cổ Trung quốc có nói nhiều đến. Ngôn ngữ Việt là kết hợp của gốc cổ Mon-Khmer từ phương Nam thuộc hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic và tiến hóa cùng với thành phần Tày-Nùng của hệ Thái ngữ.
Người dân tộc Tày-Nùng (Zhuang) là những dân cư có tiếng về truyền thống dũng mãnh trong quân sự. Trong suốt lịch sử từ đời Tần, khi người Hán Hoa bắt đầu Nam tiến chinh phạt vùng Lĩnh Nam, đến sau này, người Nùng (Zhuang) đã đề kháng liên tục, tránh khỏi đồng hoá, nhưng đã không lập thành một quốc gia tự chủ được như người Lạc Việt ở vùng đồng bằng phía nam của Việt Nam ngày nay. Người Nùng đã được dùng trong quân đội của các triều đại Trung quốc, Việt Nam và đóng những vai trò quan trọng trong các trận chiến biên giới Việt-Trung cho đến ngày nay.
Qua nhiều thời kỳ trong lịch sử, cũng có rất nhiều người Việt lên vùng núi sống, hoà nhập và đã hoàn toàn trở thành Tày hoá qua vài thế hệ. Đấy là các gia đình quan chức được bổ nhiệm, các vua chúa thua chạy với tàn quân lên ẩn chờ cơ hội, các di dân vì loạn lạc nghèo đói. Họ Mạc đã lên Cao Bằng từ năm 1592 khi triều đình Lê-Trịnh chiếm được kinh đô Thăng Long sau bao năm nội chiến Bắc Triều - Nam Triều. Nhà Mạc trú ẩn và tồn tại đến mấy đời vua trước khi bị mất hẳn. Sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Tày-Việt đã để lại nhiều nét sâu đậm trong văn hoá Tày ở Việt Bắc. Nếu ta lên Cao Bằng ngày nay
"Ngày nay điền dã một vùng rộng lớn, lấy thị xã Cao Bằng làm tâm điểm, với bán kính 15-20 km, chúng ta sẽ bắt gặp những "mảnh vụn" của những đợt di dân ấy. Một hiện tượng lạ đối với các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học là ở một số xã của vùng bán kính nói trên, hàng nghìn người Tày nhưng lại không nói sõi tiếng Tày mà hầu như chỉ sử dụng tiếng Kinh. Nổi bật hơn cả là vùng mà dân địa phương gọi là "Chợ Cao Bình", thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng (cách thị xã Cao Bằng chừng 6km). Dân cư vùng này có khoảng 2000 người, tuy họ là dân tộc Tày nhưng chỉ biết tiếng Kinh, không biết tiếng Tày. Người địa phương gọi người Tày vùng này là dân "Mãn Đan" (có nghĩa Tày không ra Tày, mà Kinh cũng không ra Kinh). Ở cách đó không xa, người Tày ở vùng Nước Hai thì lại hoàn toàn nói thạo tiếng Tày. Bên cạnh tính bảo lưu ngôn ngữ quê gốc miền xuôi, người Tày ở chợ Cao Bình vẫn giữ thói quen làm nhà đất và trồng luỹ tre xung quanh nơi nhà ở và xung quanh bản làng. Ngoài ra về sinh hoạt ăn uống, ma chay cưới xin... họ vẫn giữ những phong tục như người Kinh đồng bằng Bắc bộ.
Những người Tày ở vùng "Chợ Cao Bình" nói trên, qua điều tra, chúng tôi được biết họ hầu hết là dân di cư vùng Hải Dương, Kinh Bắc chuyển cư lên đây. Một số dòng họ còn giữ gia phả cho biết đó là con cháu số quan lại triều Mạc, không chịu đầu hàng nhà Lê, lên Cao Bằng tiếp tục phục vụ cho họ Mạc.
(Nguyễn Minh Tường, Nhà Mạc sau năm 1592, trong Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trang 113-136)
Qua quá trình di cư lên Cao Bằng, một số tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá cũng được du nhập vào địa phương. Trên Cao Bằng, khá nhiều đình chùa hiện nay đã cho thấy được xây dựng thời nhà Mạc.
II - LỊCH SỬ
1. Thời tiền sử
Phía Nam sông Dương Tử và vùng gọi là Lĩnh Nam, theo sử liệu Trung Hoa là nơi cư ngụ của các giống dân gọi chung là Bách Việt. Ngày nay chúng ta đã biết rõ là giống dân bách Việt đã đóng góp lớn trong sự thành lập của nền văn minh Trung Hoa bắt đầu từ đời Thương. Nguồn gốc của dân Bách Việt và văn minh của họ ra sao từ thời kỳ đá mới (7,000 đến 1200BC) tới thời đại đồ đồng, nhất là ở khu vực từ Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông hiện nay đến đồng bằng Bắc Việt Nam ?. Ta hãy tóm tắt sơ lược những gì đã được biết hiện nay.
Meacham (10) cho ta thấy là biển Nam Hải tiến lên nhanh vào khoảng 4 000 BC, làm ngập lụt các vùng bờ biển có khi đến cả tám dặm sâu vào đất liền và sự kiện này đã làm ta mất đi các dấu vết khảo cổ của văn hoá thời kỳ trung đại đá mới, văn hoá này có tính cách gần môi trường biển (tuy vậy ta vẫn tìm thấy được một số di chỉ của văn hoá này ở Việt Nam, văn hoá Quỳnh Văn). Vì thế ở các vùng núi sâu trong lục điạ, ta sẽ dễ tìm thấy di tích của thời sơ khai đá mới hơn.
Hai địa điểm khảo cổ thời sơ khai đá mới biết nhiều đến ở Quảng Tây là Bái Lương động (Bailian Dong) gần Lưu Châu và Zhenpi Yan gần Quế Lâm (Guilin). Động Bái Lương được các người tiền sử cuối thời đá cũ đến đầu thời đá mới cư trú (8). Các đồ đá được xác định bằng Carbon 14 là vào khoảng từ 30 000 đến 7 500BC. Địa điểm Zhenpi Yan được xác định vào khoảng 10 000BC. Có hơn 400 mộ được coi là của tổ tiên người Nùng-Zhuang được phát hiện ở vùng này. Trong mộ các xác người được chôn ở vị trí nằm co, một kiểu chôn rất hiếm ở Trung Hoa nhưng rất nhiều và phổ thông ở Việt Nam. Như các mộ trong các hang Đắng, Mộc Long tìm thấy ở rừng Cúc Phương, thuộc văn hoá Hoà Bình, người chết chôn nằm co, bôi thổ hoàng đỏ và có các công cụ đá. Điều này chứng tỏ là cư dân ở vùng này có nguồn gốc phương Nam và rất gần với văn hoá Hoà Bình (9000 đến 5600BC) và Bắc Sơn (8300 đến 5900) ở Việt Nam.
Từ văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn đã tiến tới đồ đá mài với đặc điểm rìu mài gọi là rìu Bắc Sơn, các đồ gốm, trang sức vỏ sò được tìm thấy nhiều ở các hang, di chỉ vùng Lạng Sơn, như hang Làng Cườm, Bó Lúm, Bó Nam... Ở Quảng Tây, cũng tìm thấy được di chỉ của văn hoá Bắc Sơn vùng Nam Ninh, dọc các sông Ung, Zua, You với các vỏ trang sức, đồ gốm, đất màu hoàng thổ, đồ đá với loại rìu văn hoá Bắc Sơn.
So sánh với các di chỉ như Hemudu ở vịnh Hàng Châu, tỉnh Triết Giang và các di chỉ bắc Quảng Đông, thì các di chỉ vùng biển xa phía nam sông Dương Tử, vùng đông nam (Phúc Kiến, Quảng Đông) và tây nam (Quảng Tây, Vân Nam) có liên hệ gần gũi với các di chỉ ở Việt Nam.
Qua thời kỳ đá mới, vào khoảng thời nhà Thương , một di chỉ phía nam sông Dương Tử đáng chú ý là Wucheng ở Giang Tây (Jiangxi), quận Thanh Giang nơi sau này là lãnh thổ của nước Việt miền Triết Giang, cạnh nước Chu. Di chỉ này gần sông Tống (Song), dễ dàng thông thương với các lãnh thổ Việt ở vùng Lĩnh Nam (Quảng Tây và Quảng Đông). Tại đây, tìm thấy nhiều chữ viết được tìm thấy trên các mảnh gốm, đồ đồng, rất khác với chữ viết ở phía bắc, cho thấy một ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác và độc lập với văn hoá trung tâm phía bắc (8). Đây là chữ viết cổ nhất của ngôn ngữ Việt cổ. Tư liệu sử của thời Chiến quốc cho thấy từ ngữ, văn phạm khác với tiếng Hán xưa. Có vài tác giả cho rằng tiếng nói xưa của người Việt là thuộc Thái ngữ, gần với tiếng nói của cư dân miền Lĩnh Nam, mà hậu duệ hiện nay là người Nùng-Zhuang ở biên giới Việt-Trung ngày nay, và người Việt ở đồng bằng sông Hồng.
Cả hai thuộc vào họ Bách Việt mà ta có thể xếp vào nhóm Lạc Việt (Luo Yue) ở đông nam Quảng Tây và bắc Việt Nam và Tây Âu (Xi Ou) ở miền Quế Giang và Tây Giang của Quảng Tây. Và chính tại các vùng này từ Lĩnh Nam, Vân Nam và bắc Việt Nam mà ta tìm thấy trống đồng nhiều nhất, một văn hoá trống đồng rực rỡ mà ta gọi là văn hoá Đông Sơn toả ra từ Bắc Việt Nam. Các hình vẽ người, thú, thuyền, trống... nổi tiếng trên vách đá ở biên giới Việt-Trung, dọc sông Zuo, Quảng Tây mang đậm nét hình trên trống đồng Đông Sơn của người Lạc Việt. Cũng như các vật tổ của người Nùng-Zhuang như cóc, ếch đều có thể hiện trên trống đồng.
2. An Dương Vương và Tây Âu của Tày-Nùng
Hiện nay, chúng ta đã rõ về An Dương Vương Thục Phán từ Tây Âu chinh phục nước Văn Lang của người Lạc Việt đời các vua Hùng. Tây Âu là một nhánh của Lạc Việt ở miền núi trung du, hay gọi là Âu Việt. Người Âu Việt đây chính là người Tày cổ. Theo truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng thì Thục Phán là con của Thục Chế thủ lãnh vùng Nam Cương ở Cao Bằng, Quảng Tây gồm 9 xứ Mường. Vào cuối đời Hùng Vương, Thục Phán hãy còn ít tuổi lên thay vua cha vừa mất. Các chúa Mường kéo quân về đòi chia và nhường vua. Tuy ít tuổi, nhưng thông minh, Thục Phán đã bày ra các cuộc thi, đua sức đua tài và hẹn ai thắng sẽ nhường vua cho. Ông dùng mưu kế làm cho họ mất nhiều công sức mà không ai thắng cuộc. Cuối cùng các chúa phải qui phục Thục Phán. Khi Nam Cương cường thịnh lúc Văn Lang suy yếu, Thục Phán đã đánh chiếm và tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa, gần Hà Nội (1)(3)
Đây là một truyền thuyết dân gian ở Cao bằng, được Lê Sơn viết thành trường ca hơn ngàn câu viết bằng tiếng Tày. Lã Văn Lô (1)(3) dịch ra bằng tiếng Việt năm 1963 và đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Theo Phan Huy Lê (3), vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số tác giả người Pháp khi viết về lịch sử người Tày, có nhắc đến truyền thuyết này, nhưng không công bố tư liệu.
3. Nùng Trí Cao với Nam Thiên quốc và Nam Việt
Cách đây vài năm (1998), ở Quảng Tây một số các hội người Nùng-Zhuang đã quyên góp và tổ chức một buổi lễ khánh thành tượng kỷ niệm người anh hùng của dân tộc họ, Nùng Trí Cao. Trong buổi lễ, trong số hiện diện của các khách mời, có vài đại diện của chính quyền địa phương ở Nam Ninh (Quảng Tây). Trong một bài của nhà nghiên cứu lịch sử về Nùng Trí Cao, giáo sư Anderson nói rằng trong buổi lễ, các viên chức ở Quảng Tây, mặc dầu cổ võ văn hoá dân tộc địa phương nhưng cũng thố lộ tỏ vẻ lo ngại về vấn đề Nùng Trí Cao vì sợ có khuynh hướng ly khai của người Nùng-Zhuang.
Trong lịch sử, Nùng Trí Cao suýt nữa thành công chiến thắng nhà Tống trong một trận đánh quyết định (Đèo Côn Lôn gần Ung Châu nay là Nam Ninh) thành lập một nước gồm Quảng Tây, Quảng Đông, một phần Vân Nam và vài vùng Bắc Việt Nam. Theo nhà sử học Barlow (8) và Huang thì đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định của lịch sử người Nùng-Zhuang, cũng như trận đánh lịch sử Hastings đối với người Anh và Waterloo đối với Pháp. Nếu vận mệnh chiến trường thay đổi, thì có thể đã có một nước Nùng-Zhuang ở giữa Việt Nam và Trung quốc, và chắc sẽ có liên hệ chặc chẽ với nước Thái và Lào hiện nay, cùng họ Thái ngữ với họ.
Năm 1039, Nùng Tồn Phúc, thủ lãnh châu Thảng Do chiếm các châu của các thủ lãnh lân cận và xưng vua là Chiêu Thánh hoàng đế, đặt tên nước là Trường Sinh, không nộp cống xưng thần với Đại Cồ Việt. Vua Lý Thái Tông thân chinh đi dẹp đánh, bắt sống Tồn Phúc và giết, chỉ có vợ là A Nùng và con là Nùng Chí Cao lúc đó 14 tuổi trốn thoát.
Trí Cao sau này cùng mẹ từ động Lôi Hỏa trở lại châu Thảng Do, chịu thần phục Đại Cồ Việt và nhà Tống. Sau này muốn độc lập, tự đổi châu thành nước Đại Lịch (còn gọi là Đại Lí quốc, liên hệ với nước Đại Lí gốc Thái ở Vân Nam, trước kia gọi là Nam Chiếu). Lý Thái Tông bỏ qua sự tình và phong cho Trí Cao vài vùng điạ phận chung quanh với chức Thái Bảo, nhưng Cao chỉ muốn độc lập. Nhà Lý mang quân đánh, bắt sống được Trí Cao mang về kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình An, Bà và châu Tư Lang (nay là Trùng Khánh, Cao Bằng) nữa (ĐVSKTT). Chính sự cư sử này của Thái Tông Phật Mã đã làm Trí Cao nhớ mãi. Thật sự hành động của Thái Tông là muốn có vùng biên giới ràng buộc với Đại Cồ Việt và là lá chắn độn hữu hiệu với Trung quốc nhà Tống. Một chính sách khôn khéo và mềm dẻo.
Nùng Trí Cao từ bấy giờ nhắm vào đất Ung châu và các điểm yếu ở Quảng Tây. Trí Cao mơ ước kết hợp tất cả dân Nùng-Zhuang ở Quảng Tây, Quảng Châu và bắc Cao Bằng và vì thế đổi tên nước từ Đại Lý quốc sang Nam Thiên quốc. Ông dời từ Long Châu đến An đệ châu vào sâu trong Quảng Tây (8). Qua sự tiếp xúc và liên hệ với các thương gia từ Quảng châu lên vùng này mua vàng, ông biết được giá trị kinh tế của vùng mình cứ lãnh và vị trí quan trọng của cảng chiến lược Quảng châu để thành lập một thủ phủ cho một nước.
Với sự cố vấn của mẹ là A Nong và các thương gia Quảng châu đi theo, ông tiến đánh thành Ung châu, đây là hành động tuyên chiến với nhà Tống. Bài hịch của Trí Cao tuyên ngôn độc lập và sự sống còn của người Nùng-Zhuang, không khác chi chí khí của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo:
"Tài sản của cả cuộc đời đã bị đốt hết trong các ngọn lửa của Trời. Không có đường nào để chúng ta sống cả. Chúng ta sẽ chiếm lấy Ung châu, lấy Quảng châu làm căn cứ kinh đô và tuyên bố độc lập với các đời vua sau này của chúng ta. Nếu không làm điều này, thì dân tộc chúng ta sẽ chết." (8)
Sự nghi sợ xưa nay của nhà Tống đối với người Nùng-Zhuang đã trở thành sự thật, quân Trí Cao chiếm nhanh chóng các đồn luỹ nhà Tống qua các vùng hành quân, Ung châu lọt vào tay ông dễ dàng. Ông kế lấy Hưng châu (Heng zhou) và các thành phố lân cận, tiếp theo là Ngô châu (Wuzhou) ở bên sông biên giới với Quảng Đông. Chẳng bao lâu ông tiến đến Quảng châu và vây thành này. Cả miền nam nước Tống nguy kịch, quân Tống cố thủ trong trận vây hãm 57 ngày trước khi Trí Cao rút quân.
Nhà Tống bỏ hết sức lực và tài nguyên vào việc đánh Trí Cao và Nam Thiên quốc. Nhà Tống treo giải thưởng bắt, giết Trí Cao với 3.000 quan, 2.000 bộ vải và chức quan lớn, A Nong với 3.000 quan và chức quan nhỏ, 2 thương gia cố vấn với 1.000 quan và chức vị. Nhà Tống coi bà mẹ nguy hiểm hơn các cố vấn, do sự hiểu biết về vị thế phụ nữ trong xã hội Nùng-Zhuang, so với nam phụ hệ của Hán Hoa (8).
Từ Quảng châu, Trí Cao tiến lên phía bắc đánh bại các cánh quân tiếp viện của nhà Tống, sau đó trở lại nam và về Quảng Tây. Tại đây ông dưỡng quân và làm các chiến thuyền sửa soạn đánh Quảng châu lần nữa và cương quyết lập một nước độc lập với tên hiệu là Nam Việt tại thủ phủ Quảng châu. Từ Việt đã cho thấy vẫn còn sự khêu gợi và hấp dẫn của các giống dân vùng Lĩnh Nam mà Nùng-Zhuang là một nhánh Bách Việt.
Triều đình nhà Tống gởi quân đến đánh Ung châu nhưng các tướng lãnh bị Trí Cao đánh bại và giết cả. Cuối cùng vua Tống gởi tướng Địch Thanh (Di Quing), đã chinh chiến 25 trận trong 4 năm đánh Tây Hạ. Địch Thanh là tướng đã đi từ chức binh sĩ trong quân đội lên được chức tướng qua những chiến công, chiến lược ông đạt được. Khi còn là binh sĩ, ông đã từng bị xâm hình vào mặt để khỏi phải đào ngũ trong chiến trường (8). Sau này vì thế ông thường mang mặt nạ làm bằng bạc để che sự thẹn khi xưa.
Với một tướng tài, nhà Tống giao hết cho ông các binh lính và 32 tướng lãnh chỉ đạo đánh Trí Cao. Địch Thanh mang thêm kỵ binh của bộ lạc người Phan Lưu (Fan-luo) ở Tây Bắc Trung quốc xuống đánh. Theo sử liệu thì "những kỵ binh này có thể đi lên và xuống núi như đi trên đất bằng" (8).
Biết được sự quyết tâm sống còn của nhà Tống với Trí Cao và Nam Thiên quốc, Lý Thái Tông đánh tiếng ngoại giao gợi ý xin giúp quân Tống với 20.000 quân. Lúc đầu, tướng vùng Quế châu chấp nhận sự viện trợ này. Nhưng sau đó vua Tống hỏi Địch Thanh vấn đề này thì Địch Thanh khuyên bác bỏ vì không lẽ lại nhờ quân Việt và sau này người Việt có thể ở lại không về (8). Theo tôi thì đây chỉ là chiến thuật ngoại giao của Lý Thái Tông vì ta biết sau này khi Trí Cao thua, ông đã gởi viện binh giúp Trí Cao.
Địch Thanh biết là ưu diểm của quân Nùng-Zhuang là di dộng nhanh chóng trên vùng núi. Đất bằng chung quanh thành phố Ung châu (nay là Nam Ninh) nơi Trí Cao trú đóng được tách với các đất bằng ở phía bắc và đông bởi các dãy núi cao và đèo Côn Lôn là con đường duy nhất mà quân lính có thể di động nhanh chóng. Địch Thanh trong đêm tối đã mang quân đi bộ 25 km liền âm thầm đánh đồn cao ở đèo Côn Lôn. Mất đèo chiến lược Côn Lôn là một tổn thất thảm hoạ của quân Nùng-Zhuang. Nếu quân Nùng-Zhuang đánh quân Hán khi họ mới tiến lên đèo thì từ trên cao quân Trí Cao vói thế di động chắc chắn sẽ đánh bại Địch Thanh. Trí Cao giờ đây chỉ còn có hai chọn lựa, một là giữ thành Ung châu hoặc là đánh dàn quân hai bên trực tiếp ở đất đồng bằng chung quanh Ung châu.
Trí Cao chọn phương thức thứ hai đối diện trực tiếp với Địch Thanh trong trận đánh lịch sử giành độc lập cuối cùng của dân tộc Nùng-Zhuang. Đó là tháng 1-1054.
"Quân Nùng-Zhuang tấn công với y phục dân tộc rực rỡ và theo hàng ngang cổ điển gồm các nhóm 3 người. Một trong hai tướng Tống dưới quyền Địch Thanh tử trận. Bức tường bộ binh theo hàng ngang của quân Nùng-Zhuang là một chiến tuyến không ngắt đoạn. Nếu có một lỗ hổng trên "bức tường" thì địch thủ có thể lợi dụng để chọc thủng bằng kỵ binh và đánh áp từ đằng sau, và đằng trước thì bộ binh và cung thủ đánh kẹp lại. Đây chính là điểm yếu mà tướng tài Địch Thanh đã lợi dụng tìm chỗ hở này bằng cách thay đổi liên tục đội hình dàn binh của quân Tống, để bắt buộc quân Trí Cao phải thay đổi đội hình theo và do đó có sự rối loạn trong cách điều binh dàn trận. Quân của Địch Thanh đã được huấn luyện và thay đổi đội hình nhanh chóng có kỷ luật đã làm quân Nùng-Zhuang lúng túng và rối loạn lúc dàn đội hình. Khi thấy có một lổ hở của bức tường quân Nùng-Zhuang, Địch Thanh liền tung ra một đội quân bộ binh đặc biệt chặt chém các khiên giáp của quân Nùng-Zhuang với rìu và gươm lớn.
Khi bức tường đã bị chọc thủng, kỵ binh người bộ lạc Phan Lưu ùa vào. Bị kẹp giữa hai hướng tấn công sau và trước, quân Trí Cao vỡ và tháo chạy để lại 3.000 tử trận. Địch Thanh vào thành Ung, bắt và xử tử các tướng, quan lại của Trí Cao và lấy đi số lượng lớn vàng bạc, ấn chiếu, ... Trí Cao, A Nong và tuỳ tùng bỏ chạy đi Vân Nam đến nước Đại Lý. A Nong và các con Trí Cao không lâu bị bắt bởi quân Hán và bị xử tử. Số phận Trí Cao không rõ. Tống sử chỉ nói là Trí Cao chết ra sao không ai biết.
Cuộc chiến tranh lập nước (Nam Thiên quốc, Nam Việt) của Nùng Trí Cao thất bại. Lý do cơ bản là các nhóm Nùng-Zhuang chưa hoàn toàn đoàn kết, các thủ lãnh họ Hoàng và họ Cen không gia nhập nhóm họ Nùng của Trí Cao. Lý do nữa là người Hán và nhà Tống đã chia rẽ và ảnh hưởng nhiều ở các vùng người Nùng-Zhuang, Hán tộc đã chiếm lấy gần 30% dân số và các động (làng) người Nùng không giữ vững được truyền thống như đình làng ở Việt Nam. Đó là những lý do mà tại sao người Việt sau khi có Hai Bà Trưng lại có Lý Nam đế, Lý Phật Tử và sau cùng là Ngô Quyền. Trong khi, người Nùng-Zhuang chỉ có Nùng Trí Cao và không còn ai nữa.
Khởi nghĩa của Nùng Trí Cao cũng cho ta thấy tư tưởng Việt bản địa và chính sách đứng đắn thích hợp của nhà Lý đối với dân tộc anh em gần huyết thống với nhau (cũng như văn hoá hoà hợp cộng hưởng của dòng Bách Việt) đã thành công giảm bớt sự đụng độ giữa Nùng-Kinh và sau đó cùng nhau chống lại, chặn đứng sự xâm lăng nam tiến Hán Hoa. Điều này tương phản với tư tưởng và chính sách cựu nho của Minh Mạng gây ra sự khởi nghĩa của Nông Văn Vân lãnh đạo người Nùng và Việt chống nhà Nguyễn sau này.
Tư tưởng và chính sách ngoại giao của Lý Thái Tông qua sự đối xử và hành ứng với sự khởi nghĩa của Nùng Trí Cao thật sự đã giúp cho Đại Việt tránh nhiều đao binh và làm thất lợi cho thế nhà Tống phải đối diện với quân của Trí Cao tiến đánh để được tự chủ ở Quảng Tây và Quảng Đông. Sự kiện trong thời đầu mà nhà vua mộ đạo Phật Lý Thái Tông bắt và tha tội cho Trí Cao qua thương cảm vì cha, anh đã bị giết trước kia, không phải là một sai lầm như các nhà sử nho học cứng rắn đời Lê sau này chỉ trích, mà trái lại là một điểm son và có giá trị chiến lược sau này. Trí Cao về sau đã vì thế mà dồn sức khởi nghĩa chống Tống và du di với Đại Việt.
Theo Toàn thư thì trong những tháng cuối của Trí Cao đánh Tống, ông thảm bại, tuyệt vọng nhưng nhớ đến và gởi tướng mình Lương Châu đến Thái Tông xin cứu viện. Thái Tông xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện nhưng quá trễ.
Ta hãy nghe nhà nho học cứng rắn, Ngô Sĩ Liên, chỉ trích tư tưởng Phật giáo của Lý Thái Tông là nhu nhược ngu muội, đã tha tội cho Nùng Chí Cao trong lời bàn của ông về thời kỳ của Lý Thái Tông (tức Lý Phật Mã) trong Toàn thư.
"Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sử khen vua là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy, nên có thể làm mọi việc, song câu nệ về lễ yến hưởng vua tôi, đương lúc đau thương mà cũng vui chơi, khiến cho đạo chí hiếu có thiếu sót. Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật giáo mà tha tội cho bề tôi phản nghịch thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém."
Chính cái nhân bản của Thái Tông mới thực sự là nòng cốt trị nước yên dân cho Đại Việt, Ngô Sĩ Liên đã hoàn toàn nhầm lẫn sai chiến lược. Không phải đánh giết trừng phạt là cách trị của vua anh minh. Trước đây, ngay cả khi Thái Tông đánh Chiêm Thành và thắng trận trên chiến trường, khi thấy tướng quân hăng say giết địch thủ, ông đã cảm khái xuống lệnh "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha".
Vị trí của Trí Cao trong lịch sử người Nùng-Zhuang đã rõ. Nhưng còn đối với Trung quốc và Việt Nam thì sao? Trong thời gian cách mạng văn hoá, giữa thập niên 1960, có sự tranh đấu mãnh liệt về quan niệm ở tỉnh Quảng Tây tự trị. Quan niệm của cánh tả là xem tất cả là cùng một đại gia đình người Hoa vô sản, và nghi ngờ kết án những gì mà họ cho là nhớ tới các anh hùng "thiểu số". Quan điểm hiện nay của Trung quốc là Nùng Trí Cao là một anh hùng thiểu số chống chế độ phong kiến. Trong những thập niên 1980 khi Trung quốc và Việt Nam còn đối nghịch thì Việt Nam đôi khi nhận Trí Cao là một người con của đất Việt (8), trong khi những thời kỳ trước đó còn hoà hoãn và thân thiện thì cho Trí Cao là một cá thể nhiều tính chất Trung quốc hơn. Trong sử liệu Trung quốc cũng thường cho là cuộc khởi nghĩa của Trí Cao là một biến cố trong các sự quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam.
Quan niệm cổ điển của Trung quốc cho rằng tất cả các xã hội tiến lên từ xã hội bộ lạc đến xã hội nô lệ và sau đó đến xã hội phong kiến. Theo quan điểm này, xã hội người Nùng-Zhuang là xã hội nô lệ trước thời nhà Tống, vì thế họ không thể và chưa có được một nhà nước. Ho chỉ được mang vào tiến trình xã hội phong kiến khi có sự nối chặt và liên hệ với xã hội Hán Hoa sau này (8). Theo tôi thì quan niệm này thực sự là một hình thức của quan điểm trọng Hán khinh Man mà người Hoa Hán thường coi các dân tộc phương Nam.
Giáo sư Hoàng Tiên Phan (Huang Xienfan) ở Quảng Tây, một giáo sư Nùng nổi tiếng về lịch sử người Nùng-Zhuang, đã lý luận rất thuyết phục khi cho rằng quan điểm trên hoàn toàn không đúng với xã hội người Nùng-Zhuang. Ông cho rằng những sự kiện và các trường hợp trong sự xâm lăng của nhà Tần vào năm 221BC xuống Lĩnh Nam xâm chiếm các nước Đông Âu, Tây Âu, Mân Việt và Nam Việt chứng tỏ ở thời điểm đó người Nùng-Zhuang đã thành lập một vương quốc nhà nước độc lập rồi (xin xem thêm, bài của F. Morton trong hội nghị Berkely về nguồn gốc văn minh Trung Hoa (9)). Chính quan điểm này của ông mà ông đã bị kết án từ năm 1957 là một người Nùng-Zhuang tách li khỏi "tổ quốc Trung Hoa" (8). Chỉ sau này trước khi ông mất, ông mới được hồi phục.
4. Về sự việc cắt đất cho nhà Minh của họ Mạc
Trong một số sách sử, sự kiện nhà Mạc qua Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh là một trong vài lý do mà qua các triều đại sau này (ngay cả cho đến cách đây không lâu) đã lên án gay gắt. Nhưng sự thật thì không đúng vậy và lý do chính là sự thù hận và thiên vị của các người chiến thắng viết sử về sau đối với một triều đại mà họ gọi là "Nguỵ triều" trong lịch sử Việt Nam. Sự bảo lưu của tư tưởng này kéo dài từ Lê-Trịnh đến nhà Nguyễn, qua các sách sử từ "Đại Việt thông sử" của Lê Quí Đôn, "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên cho đến sử quán nhà Nguyễn đối xử với "nghịch thần" và "nguỵ quyền". Với những lăng kính như vậy, các sự kiện đều bị thiên vị và mang tính chất cảm năng hơn là sự kiện trung thật theo lý trí. Ngày nay qua các nghiên cứu và không còn vướng với gánh nặng ý thức hệ của lịch sử, chúng ta được biết vấn đề hoàn toàn khác với kết luận của sử cũ.
Đặc biệt là vấn đề "dâng đất", chỉ có hai quyển sử viết và kết tội về việc này : Đại Việt Sử ký Toàn thư và Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim. Ngay cả các sách của Lê Quý Đôn và của sử quán nhà Nguyễn thiên vị chống "nguỵ triều" cũng không viết đến các đất dâng (Lê Quý Đôn) hay dè dặt và nghi ngờ là sự dâng đất là không đúng sự thật (Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương). Các sách của sử quán nhà Nguyễn thường dẫn lại các thư tịch Trung quốc và vì thế hoài nghi sự dâng cắt đất trong Toàn thư.
Theo "Đại Việt Sử ký Toàn thư" (Toàn thư) thì "Năm Mậu Tý (1528) : Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai hình người bằng vàng và bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận. Từ ấy Nam Bắc lại sai thống sứ đi lại". Giáo sư Đào Duy Anh, khi hiệu đính bản dịch Toàn thư đã chú thích việc này là "Hai châu Quy, Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ đời nhà Lý nước ta rồi". Vả lại "Minh sử" không hề chép chuyện này. Hai châu Quy Hoá và Thuận An, do hai thủ lãnh Nùng Chí Hội, Nùng Tôn Đản đời Lý quy phục nhà Tống và nộp cho họ, về sau trở thành hai châu Quy Thuận (Quy Dịn theo tiếng Tày-Nùng-Zhuang) thuộc tỉnh Quảng Tây (7).
Toàn thư lại viết: "Năm Canh Tý (1540), mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung ... đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, rập đầu quỳ hàng, dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân, quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An trấn Yên Quảng cho xin nội thuộc, lệ vào Khâm Châụ".
(Nguyễn Đức Hiệp chú thích: từ "động", tiếng Tày-Nùng-Zhuang có nghĩa là ấp, làng. Tiếng Việt cổ cũng có nghĩa tương tự như vậy).
Việc "xin hàng" này "Minh sử" quyển 32 có chép (7), nhưng không hề chép việc cắt đất mà chỉ viết vào năm Gia Tĩnh 20 (1541), Mao Bá Ôn về triều tâu là Mạc Đăng Dung "đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần". Theo như vậy thì nhà Mạc chỉ trả lại đất xâm lấn, chứ không cắt đất cho nhà Minh. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn đã không nói gì đến việc nhà Mạc dâng các động cho nhà Minh. Việc này ông có giải thích tai sao trong Kiến Văn tiểu lục: "Đọc Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản đời Minh biết được đầu cuối việc nhà Mạc hàng nhà Minh". Lê Quý Đôn là người học rộng tham khảo và đọc rất nhiều sách Trung quốc.
Theo thư tịch Trung quốc như Khâm Châu chí và An Nam chí, ta xác định là đây là những đất (động) "của" nhà Minh trước đó do các trưởng động người Nùng không chịu thần phục nhà Minh, đã đến xin nhập vào đất Việt Nam thời nhà Lê và họ Mạc, sau đó trả lại. Khâm Châu chí chép : "Bảy động Chiêm Lãng, Thì La, Tư Lặc, Liễu Cát, Cổ Sâm, Tư Lẫm, La Phù nguyên là đất ba quận Thì La, Chiêm Lãng, Như Tích đời Tuyên Đức nhà Minh, bọn Hoàng Kim Quảng, trưởng động Tư Lẫm làm phản, chiếm cứ Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát, Cổ Sâm nhân đấy uy hiếp cả động Tư Lặc cùng tuần ty kênh Phật đào gồm chín thôn, dăng dài hơn hai trăm dặm để phụ về nước An Nam. Họ Lê phong cho các chức Kinh lược sứ, Kinh lược đồng tri và Thiêm sự mà vẫn nối đời giữ đất và thuộc vào châu Vạn Ninh..."
Đại Nam nhất thống chí dưới triều Nguyễn cũng thừa nhận sự kiện trên và viết thêm : "nhà Mạc xin nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát.. thuộc châu Tĩnh Yên, trấn Yên Quảng, nguyên thuộc về Khâm Châu". Lịch triều hiến chương, phần Bang giao chí đã trích lời trong tờ biểu nhà Mạc dâng vua Minh năm 1540 : "còn như việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích và Thiếp Lãng là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông, nếu quả thực như lời ấy thì đó lại là cái lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin trao trả lại để thuộc về Khâm Châu".
Xưa kia Nhà Tây Sơn cũng bị quốc sử quán nhà Nguyễn xuyên tạc khá nặng, vì đối với họ Tây Sơn là một "nguỵ triều" cũng như nhà Mạc trước kia. Tuy vậy giờ đây đa số người Việt hiện nay cho là nhà Tây Sơn là một triều đại chính thống và anh hùng trong lịch sử Việt Nam, không phải là một "nguỵ triều" nữa. Đó cũng là một phần do ảnh hưởng của cụ Trần Trọng Kim viết "Việt nam sử lược" đã giải cho Nhà Nguyễn Tây Sơn khỏi phải lăng kính cực thiên vị của các sách sử chính thống của nhà Nguyễn theo nguyên tác. Tuy vậy, cụ Trần Trọng Kim đã không làm một việc làm tương tự, nghiên cứu kỹ hơn, đối với một "nguỵ triều" xa hơn nữa trong lịch sử Việt nam: Nhà Mạc. Ông Lê văn Hoè trong bài nghiên cứu đăng ở báo Thời Mới năm 1951 đã tranh luận về đánh giá nhà Mạc sau khi Việt Nam Sử lược được xuất bản và cho thấy Trần Trọng Kim đã sai và chưa công tâm khi đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung một cách khắt khe gay gắt.
Hiện nay đã có một số lượng khá lớn nghiên cứu và viết lại đúng hơn về nhà Mạc kể cả các thành tựu về tư tưởng, văn hoá, văn học xứng đáng là một triều đại chính thống và anh minh.
5. Khởi nghĩa Nông Văn Vân và tư tưởng Minh Mạng
Ngược lại với tư tưởng nhà Lý và chính sách gắn liền bình đẳng với các dân tộc miền núi. Chính sách tập quyền theo nho học cứng rắn của Minh Mạng theo một mô hình truyền thống của Trung Hoa, không khoan nhượng với các sự khác biệt, coi thường các mọi tộc kể cả "Tây dương", đóng cửa thương mại và đuổi người ngoài, đã đưa chính quyền nhà Nguyễn đến sự đụng độ không tránh khỏi về ý thức hệ và văn hoá với dân tộc miền Việt Bắc. Sau khi dẹp xong sự nổi dậy của Lê Văn Khôi ở Gia Định miền Nam chống lại sự bất công độc đoán của Minh Mạng, chính sách khắc nghiệt cứng rắn và coi thường miệt thị dân "Thổ" (Tày và Nùng ngày nay) của Minh Mạng đã đưa đến sự nổi dậy của người Tày-Nùng và người Kinh (Việt) ở Cao Bằng, Lạng Sơn dưới sự lãnh đạo của Nông Văn Vân.
Một đoạn sau đây trong bài hịch của Nông Văn Vân phần nào nói lên lý do của cuộc khởi nghĩa (5):
"Mười lăm năm đức chính có chi
Kho hình luật vẽ nên hùm có cánh
Ba mươi tỉnh nhân dân đều oán
Tiếng oan hào kêu dậy đất không lông..."
Bài hịch chĩa thẳng vào "15 năm đức chính" của Minh Mạng gây oán hờn cho nhân dân của cả 30 tỉnh trong nước chứ không phải vì vài viên quan hèn kém ở Cao-Lạng mà thôi. "Hùm có cánh" do chữ "hổ sinh dực"; ở đây có ý nhạo báng "đức chính" và "hình luật" của Minh Mạng. "Đất không lông" do chữ "bất mao chi địa", vừa có nghĩa là đất cằn cỏi trơ trụi, vừa có nghĩa làng xóm bị vơ vét sạch do chính sách bóc lột, hà khắc.
Minh Mạng cũng đã đưa chiếu vừa dụ dỗ vừa đe dọa :
"Lũ chúng mày dẫu là người Thổ, nhưng đều là con đỏ của triều đình, từ trước ăn nhờ đức hóa, hơn 40 năm yên vui biết là nhường nào. Nay bị giặc Vân cám dỗ để nhọc quan quân tiến đánh, chúng mày cũng vì thế mà lìa vợ con, mất gia sản, chúng mày có vui gì mà đi làm giặc... Theo triều đình thì thuận mà lợi, theo giặc Vân thì nghịch mà hại... Nếu không nghe lời thì quân ta đến nơi sẽ tàn sát không để sót, cửa nhà vợ con đều ra tro, hối cũng không kịp nữa".
Bài học của cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân là ta phải trở lại với tinh thần thích nghi và uyển chuyển của văn hoá Việt từ nghìn xưa, với dân gian, với dân tộc có nhiều gắn bó mật thiết với văn hoá anh em của giống Bách Việt ở trung du. Bác bỏ đi văn hoá ngoại lai Tống nho cứng ngắc, du nhập từ thiên triều Trung quốc và áp dụng mù quáng bảo thủ khắp triều đình và đất nước.
Nhưng bài học trên đã hoàn toàn lọt ra ngoài sự hiểu biết ở Minh Mạng (và các vua sau này cho đến khi Pháp đánh Việt Nam thì đã quá trễ) sau khi Minh Mạng được tin báo Nông Văn Vân đã chết và loạn bị dẹp yên sau 2 năm khởi nghĩa, đã mừng rỡ "truyền mở tiệc rượu mua vui, sai cung tần khoác tay nhau làm kiệu rồi ngồi mà múa. Hô liền mấy tiếng: Cao Bằng yên rồi ! Cao Bằng yên rồi !" (5). Nỗi vui mừng không kềm chế của Minh Mạng chứng tỏ ông và cả triều đình hoàn toàn không hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược và tư tưởng trong ý thức hệ của cuộc khởi nghĩa.
III VĂN HOÁ - GIAO LƯU VĂN HOÁ VIỆT-TÀY-NÙNG
Có nhiều điểm tương đồng về nguồn gốc và khiá cạnh giao lưu văn hoá Việt-Tày-Nùng. Vì phạm vi, ở đây, tôi chỉ phân tích về một khía cạnh: quan họ vì nó có nguồn gốc xa xưa, ngay đến tận thời kỳ lập nước, thời đại đồ đồng qua họa hình, hoa văn và thư tịch cổ Trung hoa về người Bách Việt. Vì thế, nếu nói nguồn gốc quan họ là do một viên quan đời Lê sáng chế ra như Toan Oánh đã mô tả thì chưa phải có bằng chứng điền dã và dân tộc học rõ ràng và chắc chắn là không đúng.
Thật sự tục hát quan họ đã có ít nhất là từ thời Lý-Trần và xưa hơn nữa từ tục lệ cổ của dân tộc Việt ở Kinh Bắc và các dân tộc khác ở miền trung du. Hát quan họ có liên hệ mật thiết với cách hát Lang, Lượn của dân tộc Tày. Và có thể có sự liên hệ xa hơn nữa với lối hát giữa trai gái của dân tộc Châu Ro ở Đồng Nai phía Nam. Hát quan họ cũng có sự đóng góp của cộng đồng tù binh Chàm định cư ở Kinh Bắc thời Lý-Trần. Nói chung tất cả các lối hát có nguồn gốc xa xưa ở tục lệ dân tộc là sự liên hệ trai gái, trao đổi tán nhau trước khi đi đến quan hệ tình dục lẫn nhau hay trong tập thể. Không phải tình cờ mà hội hát quan họ bắt đầu lúc đầu xuân khi vạn vật trổi mở, cây cối phát sinh, đồng áng trù phú và con người nảy nở đi đến vui chơi và cơ hội sinh sản (fertility rites). Tất cả các lối hát trai gái trên đều có nguồn gốc chung ở các dân tộc xưa cổ Đông Nam Á ở bán đảo Đông Dương.
Tôi sẽ trình bày và đưa ra một vài dữ kiện cũng như các nhận xét từ các nghiên cứu của nhiều nhà sử học, ngôn ngữ và dân tộc học từ trước và gần đây để cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh trong việc tìm hiểu về nguồn gốc hát quan họ
Sở dĩ có nhiều thuyết về nguồn gốc quan họ là cũng là do nguồn gốc lối hát này bắt nguồn từ xa xưa trong xã hội Việt ở Kinh Bắc, cái nôi của văn hoá bản xứ Việt, và không ai biết nó bắt đầu từ khi nào.
Các nhà nho học đời Lê thường cố gắng hạ thấp giá trị của văn hoá dân dã thay vào đấy bằng những giá trị của quan triều (cũng như điạ danh Nôm dân dã đã bị "bác học" hoá và biến hết dấu vết). Kiểu như trên thì trong sử liệu đầy rẫy cho nên ta phải cẩn thận và nhiều khi phải dựa vào điền dã, và nhiều dấu vết khảo cổ, dân tộc học để bổ sung và tìm ra căn ngơ. Cho rằng nguồn gốc quan họ là do một cá nhân quan triều đời Lê là khó tin. Cũng như các giấc mơ của vua, chúa hay nhiều huyền thoại để giải thích tâm linh và hoạt động văn hóa hay tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng là hậu quả tự ti về văn hoá bản xứ dân dã người Việt của các nho thần đời Lê. (Cũng vậy ta không thể hiểu được chiến tranh Việt-Pháp hay Việt-Mỹ nếu chỉ đọc qua hay dựa vào một vài sách hồi ký của vài nhà lãnh đạo hay tướng lãnh).
(1) Quan họ thuở ban đầu, Quan họ và các lối hát của các dân tộc
Nếu chúng ta bàn về Quan họ Bắc Ninh và trong vùng Kinh Bắc mà không nói về sự liên hệ của lối hát này và các lối hát của các dân tộc giáp chung quanh vùng Kinh Bắc thì là một thiếu sót lớn.
Đặc biệt là Quan Lang, Lượn và Phong Slư của người Tày và Nùng. Quan Lang là lối hát giao duyên giữa đàng trai và gái trong lễ cưới trong khi Lượn và Phong Slư là lối hát giao duyên trong các lễ hội, ngoài đồng, rừng đồi trong công việc thường ngày.
"Trong nền dân ca Việt nam, dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại dân ca rất đẹp về mặt trữ tình, chủ yếu là tình yêu trai gái, điều này đã được các nhà nghiên cứu nhận định thống nhất. Đọc và tìm hiểu Quan họ, chúng tôi thấy ở loại dân ca ưu tú này có khá nhiều điểm gần gủi với dân ca Tày, Nùng nói chung với lượn và phong slư nói riêng, gần gủi về "nội dung đậm tính chất trữ tình", về thể cách xây dựng hình tượng, về đề tài và cả về lối ca hát nữa. Sự gần gũi này chứng tỏ rằng lượn và phong slư đứng về mặt dân ca mà nói có nhiều điểm rất đặc sắc, không kém Quan họ Bắc Ninh.
Hơn thế nữa, Phong slư còn có phần mang tính trữ tình đậm đặc hơn. Có thể nói tất cả những cung bậc về tình cảm lứa đôi, về tình yêu vợ chồng, về thiên nhiên xứ sở đã tập trung, cô đọng trong từng bài phong slư. Trong cái rừng âm thanh về tình yêu đó, nổi bật lên một tiếng nói rất đạo đức, rất phù hợp với quan niệm tình yêu của nhân dân lao động cần được phát huy trong cuộc sống ngày nay, đó là tiếng nói của một tình yêu chung thuỷ sắt son, chung thuỷ cả trong "kiếp sau" nữa. "
(Vi Hồng - Vài suy nghĩ về hát Quan Lang, Lượn, Phong Lư, Tạp chí Văn Học, 3/1976, trang 50-61, Viện Văn học, Uỷ ban KHXH)
Điều này chứng tỏ rằng, đứng về dân ca và dân tộc học, Quan họ Bắc Ninh không thể do sự sáng tạo của một cá nhân nào ở thời Lê sau này. Nó đã có từ thời nghìn xưa giữa các dân tộc Kinh ở Kinh Bắc giáp giới với miền trung du của các dân tộc Tày, Nùng.
Thế còn lối Hát giao duyên trong dân ca Châu Ro (Đồng Nai) thì sao?
"Lối hát giao duyên (xim pút) được hình thành trên mối quan hệ luyến ái giữa các lứa đôi trong cộng đồng. Người Châu Ro theo chế độ mẫu hệ, nhưng không phải vì thế mà cử chỉ tỏ tình chỉ biểu lộ ở người con gái hoặc ở người con gái trước. Qua các bài hát giao duyên ta biết được, thường là người con trai phải "mở lời ong bướm" trước ...
(Trần Quang Huy - Âm nhạc dân gian của người Châu Ro, Tạp Chí Khoa Học Xã hội số 28-II-1996, trang 161-169, Viện KHXH Tp HCM)
(2) Quan họ có nguồn gốc xa xưa
Thực ra, cái tục chơi xuân trong các hội hè đầu năm như tục hát đối Quan họ, hát Dặm hay Trống Quân ở xã hội Việt Nam xưa, không phải thuộc riêng cho dân tộc Việt Nam, mà là cổ tục chung cho tất cả dân tộc nông nghiệp miền Đông Á...
Maspero chẳng hạn, đã nghiên cứu về hội đầu xuân ở Yên Bái hay Nghiã Lộ:
"Ngày hội ấy mở vào tháng ba, tháng tư, trước khi có hạt mưa rào và bắt đầu vào công việc đồng áng. Chỗ hội họp là động Thẩm Lệ, có tiếng là nơi linh thiêng, ngày thường không ai dám lai vãng, sợ đông chạm đến quỷ thần. Nhưng đến ngày hội thì trai thanh gái lịch tự do kéo nhau lũ lượt vào động để hát đối, giao duyên... Bên trai thắp các ngọn đuốc lên, tay cầm đuốc đi diễu qua trước mặt các cô nàng, cố soi vào tận mặt để xem mặt. Khi một chàng đã tìm thấy ý trung nhân rồi, anh ta bèn đứng trước mặt nàng rồi cất tiếng hát. Nghe anh chàng xướng, hát xong, nếu cô nàng ưng ý thì liền ngồi xụp xuống đất để tỏ ý bằng lòng. Nếu sau khi đã xướng hát rồi, chờ mãi không thấy nàng ngồi xuống, ấy là anh ta biết cô nàng không bằng lòng, chỉ còn cách đi khỏi. Ở trường hợp chàng được nàng ưng ý ngồi xuống rồi thì chàng liền tắt đuốc đi và cùng ngồi xuống bên cạnh nàng. Bây giờ hai bên vịn vai nhau mà hát đối, câu hát trao tình, càng ngày càng thân mật. "
Nói về hội xuân trong động Thẩm Lệ ở Yên Bái, Nghĩa Lộ, ông Nguyễn Đăng Thục và ông Henri Maspero trong "Les religions Chinoises" đã nói như sau:
"Những hội hè ấy, nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính vào lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa đông đi rồi mới có cuộc phối hợp giữa thanh niên thiếu nữ. Sự phối hợp giữa họ với trời, có mục đích như khích động sự phát triển dương xuân. Nhờ cái đà ấy mà mà cái vòng thời tiết của năm mới, mới bắt đầu, mầu mỡ của đất đai mới bảo đảm. Cũng như tất cả những cuộc lễ bái tôn giáo nước Tàu xưa và hội hè mùa xuân có một tính cách tín ngưỡng rõ rệt, hội Thẩm Lệ này nhằm mục đích giúp cho điều lý vận hành của vũ trụ và nhất là giúp cho mùa xuân mở đầu cho sự phát triển của nông nghiệp.
Tóm lại tục hội hè đình đám mùa xuân ở Á Đông có cái điểm đặc biệt này là người ta tháo khoán cho sự giao dịch nam nữ, khỏi phải tôn trọng cái nguyên tắc khắc khổ của Khổng Nho "Nam nữ thụ thụ bất thân". Đây là cơ hội độc nhất trong một năm để nam nữ tự do gặp gỡ... Ở nhân dân Việt Nam tục ấy còn sót lại trước đây hai ba chục năm ở các hội hè đình đám mùa xuân như hội Lim trên kia với tục hát Quan họ.
Ở nhân dân miền núi phía Nam nước Tàu cho đến Tây Tạng, Nhật Bản, người ta đều thấy tục ấy rất thịnh hành. Tính cách chung của tục này là:
(a) Những câu hát bắt nguồn ở sự hát đôi giữa bên nam bên nữ ;
(b) Những câu hát hoặc là đố lẫn nhau, hoặc tỏ tình với nhau
(c) Trong các hội hè ấy tình cảm bồng bột khác thường và đi đến tình dục, kết cục là một dịp hôn phối
(d) Hát đối thường có giữa trai của một làng với gái ở một làng khác, theo cái cổ lệ ngoại tộc kết hôn (exogamie) hay kết hôn tập thể.
(Nguyễn Đăng Thục - Lịch sử tư tưởng Việt nam, Tập 1, Nxb Tp HCM, 1992)
Ngay cả các tư liệu xưa của Trung quốc có nói đến tục lệ hát giữa trai gái trong hội đám người Zhuang ở Quảng Tây dưới mắt của các sứ giả và các người Hán Hoa. Theo đó có những cuộc thi đối hát giữa trai và gái hay hai nhóm trai và gái, đôi khi dùng các bài hát cổ điển đã có, nhưng thường thì tranh nhau với những bài tự chế khôn ngoan đối đáp qua lại coi ai hơn ai. Các bài đối hát, theo tiêu chuẩn Hán, thì rất là tục tiểu, ướt át, và thường là sau các cuộc thi là dẫn đến tình dục tập thể, mà các tác giả người Hán để ý và bình luận rất nhiều.
IV TỔNG LUẬN
Việt Bắc và cư dân là một "nửa" phần tạo thành con người và đất nước Việt Nam. Tầm quan trọng của vùng cũng tương tự như đất "tổ" Vĩnh Phú của vua Hùng nước Văn Lang và Kinh Bắc ở đồng bằng về phương diện tâm linh và văn hoá. Ngày nay ta thường chú trọng về phần tổ đấy mà sao lãng một phần tổ thứ hai ở trung du có nguồn gốc sâu sa đã cống hiến tạo thành văn hoá, đất nước Việt Nam. Có nhiều lý do tại sao như vậy, nhưng trong lịch sử nếu ta nghiên cứu một cách khoa học và gạt bỏ các lăng kính ngoại nhập làm loãng đi tính chất nguyên thuỷ cội nguồn Việt, chúng ta có thể tìm thấy được một phần nguồn gốc của mình tại vùng chiến lược quan trọng này.
Một trong những lý do là tư tưởng triết lý Trung hoa đã ảnh hưởng và bắt rễ trong tri thức từ lâu trong lịch sử Việt Nam ở vùng "kinh" đồng bằng, pha loãng một phần cội nguồn nguyên thuỷ. "50" người con lên vùng núi trong truyền thuyết tổ tiên đã phai dần trong trí nhớ và tư tưởng của văn hoá Việt hiện đại. Nếu có nhớ thì chỉ là một hình thức quen theo thói quen trong lời nói nhưng không có một sự gạch nối cụ thể linh cảm đến tư tưởng và tâm linh xưa. Đó không phải là lỗi của ai vì đó là sự phát triển trong thiên nhiên khi có sự xa cách về địa lý và môi trường theo các biến cố của lịch sử trong sự tiến hoá của xã hội con người.
Tuy vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu và nhận thức quá trình trên vì Việt Bắc cũng đã và sẽ là tương lai của quan hệ ngoại giao Việt-Trung, một quan hệ quan trọng nhất về phương diện văn hoá, kinh tế và cá thể của Việt Nam. Hiểu được lịch sử con người, quá trình văn hoá và vai trò của Việt Bắc là chìa khoá giúp ta một phần phát huy một bản chỉ đồ tư tưởng thiết lập các quan hệ chiến lược với Trung quốc siêu cường sau này.
Nguyễn Đức Hiệp
(1) Lã Văn Lô - Quanh vấn đề An Dương Vương Thục Phán hay là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" của đồng bào Tày, Nghiên cứu Lịch sử 5—51, 6-1963.
(2) Nguyễn Đăng Thục - Lịch sử tư tưởng Việt nam, Tập 1, Nxb Tp HCM, 1992.
(3) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, 1983.
(3) Vi Hồng - Vài suy nghĩ về hát Quan Lang, Lượn, Phong Lư, Tạp chí Văn Học, 3/1976, trang 50-61, Viện Văn học, Uỷ ban KHXH.
(4) Trần Quang Huy - Âm nhạc dân gian của người Châu Ro, Tạp Chí Khoa Hoc. Xã hội số 28-II³1996, trang 161-169, Viện KHXH Tp HCM.
(5) Nguyễn Phan Quang, Khởi nghĩa Nông Văn Vân ở Cao-Lạng, Nghiên cứu lịch sử (4/199), tháng 7,8 1981, trang 37-51.
(6) Nguyễn Minh Tường, Nhà Mạc sau năm 1592, trong Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trang 113 -136.
(7) Trần Quốc Vượng, Mấy vấn đề về họ Mạc, trong Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trang 156-168.
(8) Jeffrey Barlow, The Zhuang : Ethnogenesis, Pacific University, http://mcel.pacificụedúas/resources/zhaung/zhuangintro.htm
(9) Moron, F., Tribe to State or State to Tribe in Ancient China, trong "The origins of Chinese Civilization", BerkeleyUniversity of California Press 1983, trang 467-493.
(10) Meacham, W., Origins and development of the Yue Coatal Neolithic: A micrososm of Cultural Change on Mainland of East Asia, trong sách "The origins of Chinese Civilization", BerkeleyUniversity of California Press 1983, trang 156-158.

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

NƯỚC NAM CƯƠNG VÀ VĂN LANG TRONG MỐI QUAN HỆ LỊCH SỬ

Sử sách ghi nhận bên cạnh nước Văn Lang với khoảng 15 bộ lạc hợp thành ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã, tồn tại một nước Nam Cương với kho...

XEM THÊM