Người Tày Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với địa bàn cư trú chủ yếu là vùng Lưỡng Quảng và một phần vùng đông nam Vân Nam thuộc Trung Quốc và vùng đông bắc Bắc bộ Việt Nam. Dân tộc Nùng có chung nguồn gốc lịch sử với dân tộc Tày ở Việt Nam và dân tộc Choang ở bên kia biên giới Việt-Trung. Và ngày nay, ở Trung Quốc họ được ghép chung vào dân tộc Choang thốnhg nhất (...)
Một số học giả Việt Nam cho Lạc Việt là tổ tiên của người Kinh và người Mường, còn Tây Âu là tổ tiên của người Tày cổ.
Thời Nam-Bắc Triều (năm 420-581) đến thời Đường (năm 618-907) có các tộc người Di: Lý, Lão, Lãng, Ô Hử và các nhóm người Man: Man Hoàng Động, Man Nùng Động, Man Tây Nguyên, là những nhóm "Man nhân" phân bố dọc biên giới Việt-Trung theo bản đồ ngày nay. Những tộc, nhóm này có mối quan hệ lịch sử với nhau, hay nói cách khác đều là di duệ của người Việt cổ xưa (...) Thư tịch xưa nhiều khi dùng tên gọi lẫn cho nhau. Sách Báu vật chí (thời Tấn thế kỷ III) chép: "Người Di ở Giao Châu gọi là người Lý". Sách Âu Dương truyện lại cho biết người Lý còn được gọi là người Di Lão. Sách Đường thư phần Nam Man truyện chép: "Người Man cũng gọi là người Di Lão". Sách Thái bình hoàn vũ ký khẳng định: "Người Lý tức người Man Ô Hử".
Các nhóm nêu trên trong tiến trình lịch sử diễn biến lâu dài cùng với sự phân hóa chắc hẳn đã cấu thành tổ tiên của các nhóm ngôn ngữ - văn hóa Tày-Nùng-Choang. Một số luận cứ sau đây có thể giúp xác nhận điều đó:
- Địa bàn sinh tụ của các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày-Thái ngành phía đông ngày nay là địa bàn sinh tụ chủ yếu của nguời Lý, Lão, Man... Sử sách trước thế kỷ X không ghi lại sự biến động dân cư đặc biệt nào ở khu vực này.
- Một bộ phận người Choang-Nùng ở Phượng Sơn (Quảng Tây) vẫn tự xưng là "Pu Lão" (Pu trong tiếng Choang là người). Người Hán vẫn gọi người Choang là "Thổ Lão". Người Choang ở một số thôn trại thuộc huyện Cai (Quảng Tây) vẫn dùng một thứ tiếng nói mà họ gọi là tiếng "Lãng".
- Người Lý, người Lão có tục ở nhà sàn và gọi nhà sàn là "can lan" thì nay người Choang, người Đồng ở nam Trung Quốc cũng ở nhà sàn và gọi nhà sàn là "can lan" (...)
Vào thời Tống (...) ở bắc Quảng Tây xuất hiện tên gọi "Choang" (...)
Từ thế kỷ thứ VII trở đi, một số dòng họ có thế lực đã nổi dậy chống lại sự kềm kẹp của nhà Đường. Sang thế kỷ X, một thủ lĩnh họ Nùng là Nùng Dân Phú đã làm thủ lĩnh của 10 châu vùng Quảng Uyên (...) Năm 1038, nước Trường Sinh được thành lập, đóng đô tại Nà Lự, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay, nhưng chẳng bao lâu bị nhà Lý tiêu diệt. Năm 1041, Nùng Trí Cao lại lập ra nước Đại Lịch ở châu Thảng Đo, sau đó lại liên kết với những người đồng tộc vùng Tả Giang (Quảng Tây) lập ra nước Thiên Nam, lấy hiệu là Cảnh Thụy, cai quản cả một vùng rộng lớn gồm Cao Bằng và một phần miền tây tỉnh Quảng Tây.
Năm 1048, Nùng Trí Cao tổ chức cuộc chiến tranh chống lại nhà Tống, đã làm chủ một khu vực rộng lớn từ Ung Châu (Quảng Tây) đến Quảng Châu (Quảng Đông) làm chấn động cả cõi Lĩnh Nam. Nhưng cuối cùng đã bị nhà Tống trấn áp mà thất bại. Cho đến nay, các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc và dân tộc Choang ở Quảng Tây vẫn coi Nùng Trí Cao là anh hùng dân tộc, nhiều địa phương hiện vẫn còn đền thờ.
Sau cuộc nổi dậy thất bại của Nùng Trí Cao, nhà Lý (Việt Nam) và nhà Tống (Trung Quốc) đã tăng cường kiểm soát ở vùng biên giới (...) Bộ phận bên kia biên giới Việt-Trung hình thành cộng đồng dân tộc Choang; bộ phận bên này biên giới (...) hình thành dân tộc Tày.
Hiện nay, một số người Choang ở các vùng phía tây và tây nam Quảng Tây và đông nam Vân Nam vẫn xưng là "Nùng" (...) tộc danh Nùng có thể bắt nguồn từ dòng họ Nùng lớn mạnh trước đây.
Người Tày ở Việt Bắc (cũ) thường hiểu người Nùng là người bên kia biên giới thiên di sang nên gọi người Nùng là "Pò Nòng". Nhiều tài liệu thư tịch và tộc phả cho biết tộc người này thiên di vào Việt Nam cách nay khoảng 300-400 năm, cũng có nhóm mới nhập cư được trên dưới 100 năm.
(Trích từ sách Người Nùng của Chu Thái Sơn (chủ biên) và Hoàng Hoa Toàn, nxb. Trẻ, VN, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)